Sơ lược giới thiệu về chùa Phổ Minh – Nam Định
Địa Điểm: Chùa tọa lạc ở thôn Tức Mạc, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định.
Chùa Phổ Minh có tên thường gọi là Chùa Tháp. Chùa cách thành phố Nam Định khoảng 5km về phía Bắc. Chùa nằm giữa một vùng đồng lúa chiêm trũng 700 năm qua vẫn hiên ngang, sừng sững. Đây là một trong những dấu tích còn lại của một thời Hào khí Đông A – nhà Trần.
Lịch Sử: Tương truyền, Chùa được Vua Trần Thái Tông cho dựng vào năm 1262 ở phía Tây cung Trùng Quang phủ Thiên Trường. Nhưng các bản văn khắc trên bia ghi chép lại chùa có từ thời Lý, được mở rộng với qui mô lớn vào thời Trần. Trải qua nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đời Trần.
Kiến Trúc: Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm 9 gian tiền đường gắn với thiêu hương 3 gian, thượng điện 3 gian. Qua sân hẹp, dãy ngang 11 gian kết hợp với hành lang mỗi bên 11 gian tạo thành quần thể “Nội Công Ngoại Quốc”.
Các công trình kiến trúc và chạm khắc trong chùa còn giữ được dấu ấn của thời Trần và thời Mạc như bộ cánh cửa bằng gỗ lim chạm rồng ở nhà bái đường, tháp Phổ Minh, đôi sấu ở tam quan, rồng ở thành bậc tiền đường, tháp và tượng Bà chúa Mạc… Trước đây, chùa có một chiếc vạc lớn bằng đồng đặt ở sân trước được coi là một trong bốn bảo khí quốc gia (vạc Phổ Minh, tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm). Tháp Phổ Minh chính là điểm độc đáo của chùa. Tháp gồm 14 tầng, cao 21,2m, mặt quay hướng Nam, mặt bằng được bố cục vuông, cạnh đáy của đế dài 5,21m, cửa các tầng ở 4 phía được trổ theo lối cuốn tò vò.
Tháp Phổ Minh là một công trình hỗn hợp giữa gạch và đá. Bệ và tầng dưới của tháp được xây bằng loại đá xanh mịn vừa đẹp vừa có sức nặng, làm tăng độ bền cho móng nền. Các tầng trên đều được xây bằng gạch nung mỏng, nhẹ, rất tiện lợi cho việc xây lắp. Kết cấu của tháp ở các tầng đá chủ yếu dựa vào các mộng và keo vữa kết dính.
Dạng kiến trúc của tháp là dạng trung gian giữa loại tháp hoa sen (phần trên) và tháp tu-di-tọa (phần đế). Không thuộc vào loại cao lớn, nhưng do bề ngang hẹp, nên tháp Phổ Minh có dáng cao, thanh mảnh, gợi cảm giác siêu thoát linh thiêng. Nhất là khi đứng dưới chân tháp nhìn ngược lên, các rìa mái cứ nối nhau tầng tầng lớp lớp, lên mãi không trung dễ gây sự choáng ngợp trước cảnh Phật. Tháp là một trong những nơi thờ xá-lợi Trần Nhân Tông.
Trong chùa có bày tượng Trần Nhân Tông nhập Niết Ban (tượng nằm); tượng Trúc Lâm tam tổ dưới bóng trúc; một số tượng Phật đẹp lộng lẫy. Chuông lớn của chùa có khắc bản văn “Phổ Minh đỉnh tự” đúc năm 1796.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần, lần đại tu mới nhất là các năm 1994-1995. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Những công trình kiến trúc, nét chạm khắc hoa văn ở ngôi chùa Phổ Minh linh thiêng đều chứa đựng những thông điệp của riêng nó. Chúng khơi gợi trí tò mò khám phá cho những ai một lần đến tham quan ngôi chùa.
Leave a Reply