Sơ lược giới thiệu về thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên – Vĩnh Phúc

Thiền Viện Trúc Lâm

thien vien truc lam tay thien

Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Địa Điểm: Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trụ Trì: Đại đức Thích Kiến Nguyệt

Ngày lễ chính: Ngày 14/2 âm lịch hàng năm.

Từ Hà Nội đi theo hướng Tây Bắc lên chân dãy Tam Đảo, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo khoảng 74 km. Từ đây rẽ trái để đi Tây Thiên 11 km, nếu rẽ phải là lên Khu nghỉ mát Tam Đảo. Đứng dưới chân núi nhìn lên, Thiền viện thấp thoáng trong mây. Đường lên khúc khuỷu, quanh co, vượt qua cửu đỉnh (9 dốc), bốn bề mây bay, thông reo, gió thổi, thoáng rộng và thanh sạch. Ô tô có thể lên đến chân Cổng Tam Quan của Thiền Viện.

[​IMG]

Quang cảnh hùng vĩ Tây Thiên

Thiền viện Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử cùng với Đà Lạt và Yên Tử. là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. xây dựng bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).

Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.

Lịch Sử: Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Khoảng thế kỷ 3, có một vị hòa thượng tên là Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Thiền học Việt Nam được khởi đầu với hòa thượng Khương Tăng Hội, ông cũng đem Thiền học sang truyền bá ở Trung Quốc thời Tôn Quyền (năm 247). Cha của Khương Tăng Hội là người nước Khương Cư (Sogdiane) cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán, mẹ là người Giao Chỉ, ông chắc chắn là sinh trên đất Giao Chỉ, cha và mẹ ông mất năm ông lên mười tuổi, ông mất năm 280 bên nước Tấn.

[​IMG]

Nhà ăn và hội trường lớn

Vua Hùng thứ 6 tên là Hùng Chiêu Vương lên chùa Thiên Ân trên đỉnh núi Tam Đảo để cầu tự, khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu và rước về làm vợ. Bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước Văn Lang.

[​IMG]

Nhà Sư Nữ

Thiền viện xây dựng trên nền của một thiền tự cổ (Thiên Ân Thiền Tự) có từ thế kỷ 3.

Kiến Trúc: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4/4/2004. Sau hơn 15 tháng xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành ngày 25/11/2005. Công trình to lớn này đã được xây dựng với thời gian nhanh và giá thành thấp kỷ lục, riêng tòa Đại Hùng Bửu điện chỉ thi công trong vòng 9 tháng. Sở dĩ tốc độ xây dựng nhanh như vậy vì có sự tham gia đóng góp của hàng ngàn người, trong đó có các nghệ nhân và làng nghề hầu khắp trong cả nước: thợ mộc Hà Tây, Bắc Ninh; thợ đá Non Nước, Ninh Bình; thợ xây Nam Định, Hà Nội.

[​IMG]

Nhà tổ

Nằm trên quả đồi với diện tích rộng khoảng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha, nằm trên độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, công trình mang đậm dấu ấn một ngôi chùa Việt Nam với phong cách kiến trúc đương đại. Phía sau chùa là núi rừng xanh tươi, trước là một cánh đồng thẳng cánh cò bay.

[​IMG]

Lầu trống

[​IMG]

Trống bằng gỗ mít trong lầu trống

Phía ngoài là Cổng Tam Quan với dòng chữ “Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên” và câu đối. Để lên Cổng Tam Quan phải qua nhiều bậc đá..

Chính điện (Đại hùng bửu điện) nằm chính giữa Thiền Viện có chiều cao 17m, diện tích 675m2, có 4 trụ đỡ, đường kính mỗi trụ gần 1m nên có thể dành cho 600 phật tử, du khách ngồi thiền hoặc ngồi nghe giảng phật pháp.

[​IMG]

Lầu chuông

[​IMG]

Chuông trong lầu

Bên trái tòa chính điện là Lầu Chuông, bên phải là Lầu Trống. Trống được làm từ gỗ mít rừng Gia Lai, có đường kính lên đến 1,5m, dài 2m; Chuông có trọng lượng 2 tấn.

[​IMG]

Tượng Trúc Lâm Tam Tổ trong nhà Tổ

Phía sau chính điện là Nhà Tổ thờ tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Các bức tượng Phật ở chính điện và Nhà Tổ đều được làm từ đá sa thạch (loại đá người Chăm và người Ai Cập thường dùng để tạc tượng) có độ bền lâu dài.

[​IMG]

Nhà Ăn

[​IMG]

Nhà bán sách và lưu niệm

Trong khu Thiền viện còn có: Nhà ăn phục vụ cơm chay cho các phật tử và du khách, Nhà sách bán kinh phật và đồ lưu niệm, Thư Viện, Khu nội viện gồm tăng đường, thiền đường và trai đường. Thiền viện dành khoảng 40 phòng để khách tăng và khách ni ở xa đến có thể nghỉ lại chùa tham quan và nghiên cứu phật pháp trong khoảng thời gian từ 1 – 2 tuần. Việc ăn ở, thiền viện không thu bất cứ khoản phí nào.

Điểm độc đáo khi đến với Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên là pho tượng Phật ngọc lớn nhất Việt Nam. Tượng được làm bằng ngọc bích cao 3,45m, nặng 31 tấn với thời gian chế tác gần 2 năm.

[​IMG]

Pho tượng thu hút rất nhiều khách tham quan và phật tử 4 phương

 

Pho tượng được chế tác rất công phu từ đá coridon tại mỏ đá Châu Thành, Quỳ Hợp, Nghệ An.​

6 khối đá dùng để chế tác tượng Phật thuộc loại coridon, có 80-90% là sapphire, loại đá có độ quý chỉ sau kim cương. Do độ cứng đặc biệt, pho tượng Phật phải nhờ đến 3 nhóm thợ (2 của Hà Nội và 1 nhóm từ Đà Nẵng) tập trung chế tác gần một năm mới hoàn tất dạng phù điêu.

[​IMG]

Tượng Phật ngọc được làm bằng đá sapphire, loại đá có độ quý chỉ sau kim cương

Pho tượng mang linh khí Việt Nam, nghệ thuật và tâm hồn người Việt, gần gũi với thiên nhiên và rất bình dị. Trên tay Phật Thích Ca là viên đá Minh Châu tượng trưng điển tích nhà Phật.

[​IMG]
[​IMG]

[​IMG]

Phật tử bốn phương xoa tay lên tượng Phật để cầu an lạc

Ngoài ra, ban trụ trì Thiền viện đã tiến hành nghi thức khởi công xây móng tượng Phật 49m bằng đá hoa cương có tên “Quốc Thái Dân An Phật Đài” (Việt Nam Hộ Quốc Phật Đài). Cụ thể, tượng Phật khổng lồ này có trọng lượng 20.678 tấn, sau từ 2-3 năm nữa sẽ ngự ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển, trên ngọn đồi Hữu Bạch Hổ, bên phải chính điện Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Con số 49 là lấy theo ngày Đức Phật ngồi thiền định trong suốt 49 ngày đêm. Lòng tượng Phật được thiết kế rỗng gồm 10 tầng, tượng trưng cho 10 cảnh giới của tâm thức nhà Phật.

[​IMG]

Mô hình toàn cảnh tượng Phật Đài Hộ Quốc An Dân

Ngày hội chính Tây Thiên diễn ra 14/2 âm lịch hàng năm. Trong dịp tháng Giêng, mỗi ngày có hàng ngàn khách hành hương tới vãn cảnh.

Đến Thiền Viện, du khách phật tử sẽ được thả hồn trong không gian trong lành mát mẻ với những đồi thông cao vút, những vườn hoa đang nở rộ. Không chỉ là nơi tham quan du lịch, lễ chùa trong dịp đầu năm mà Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trung tâm tu học lớn, hàng năm thu hút rất nhiều thanh thiếu niên đến tu tập trong các khoá tu, nhất là trong dịp hè.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>