Sơ lược giới thiệu về chùa Keo – Thái Bình
Địa Điểm: Chùa tọa lạc ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Ngày Lễ Chính: Hội xuân được tổ chức vào mùng 4 Tết Nguyên đán và hội thu từ ngày 13 đến 15 tháng 9 âm lịch.
Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.
Lịch Sử: Chùa vốn có tên là Nghiêm Quang tự, được xây từ năm 1061 ở hương Giao Thủy, hữu ngạn sông Hồng. Đến năm 1167, chùa đổi tên Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Năm 1611, do nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt cả làng, người dân làng Keo đã dời đi hai nơi, dựng lại hai chùa Keo mới, đó là chùa Keo Hành Thiện hay chùa Keo Dưới ở mạn Đông Nam hữu ngạn sông Hồng, và chùa Keo Trên ở tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Vũ Thư ngày nay.
Năm 1630, viên quan Hoàng Nhân Dũng cùng vợ là Lại Thị Ngọc Lễ đứng ra vận động xây dựng chùa, do ông Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu. Công trình được hoàn thành vào năm 1632.
Kiến Trúc: Chùa Keo Thái Bình là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê, hiện còn tồn khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu. Diện tích toàn khu chùa rộng khoảng 58.000 m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Qua tam quan, đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là khách hành hương sắm lễ vào Chùa lễ Phật và lễ Thánh. Đi đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống muống và ngôi nhà trong là Phật điện. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát vàPhổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng.
Chùa ngoài thờ Phật, còn thờ Không Lộ – Lý Quốc Sư. Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo. Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.
Điều độc đáo nhất của ngôi chùa này là tòa gác chuông. Gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái. Bộ mái kết cấu gần 100 dàn đầu voi. Tầng một có treo một khánh đá (ngang 1,87m), tầng hai có quả chuông đúc năm 1686, tầng ba và tầng thượng có chuông đúc năm 1796.
Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc. Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng. Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 Âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm 100 ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (ngày 3 tháng 6 Âm lịch).
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng Chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt, cùng với 10 di tích khác của cả nước.
Leave a Reply