Sơ lược giới thiệu về chùa Hội và Đền Thượng – Thái Bình

Chùa và Đền

[​IMG]

Tam quan chùa Hội, Vũ Thư, Thái Bình

Địa Điểm: Chùa tọa lạc tại làng Lạng, xã Song Lãng, Huyện Vũ Thư, Tỉnh Thái Bình.

Ngày Lễ Chính: Từ ngày mồng 6 đến 11 tháng giêng âm lịch.

Chùa Hội còn có tên gọi khác là Chùa Phúc Thắng. Tương truyền, vào thế kỉ IX sau công nguyên, một nhà phong thủy nổi tiếng kiêm trinh sát lành nghề về địa lí, kinh tế, quân sự đã đến làm kinh lược sứ An Nam đó là Cao Biền. Suốt thời gian nhậm chức ông ta đi khắp các châu, quận xem xét ghi vẽ các thế đất, các kiểu đất. Sau đó, ông ra tay yểm triệt với hy vọng để đất An Nam không phát đế vương và không sinh ra được những con người kiệt xuất…Trong danh sách đó của Cao Biền có vùng đất Chiểu Lãng – Ba Đậu với dòng chữ nhấn mạnh bên cạnh: Địa phát khôi khoa (Đất phát khôi khoa). Trung tâm chính của vùng đất Chiểu Lãng – Ba Đậu ấy chính là làng Lạng (xã Song Lãng, thuộc huyện Thư Trì cũ và Vũ Thư nay) và Cao Biền có dùng hết phép yểm triệt hay không mà đất đây vẫn phát nhiều người hiền tài đến thế. Đó là Trần Củng Uyên – đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn 1496 triều Lê Thánh Tông, Đỗ Lí Khiêm – đỗ Trạng nguyên khoa Kỉ Mùi 1499…Và đặc biệt đã xuất hiện một danh nhân văn hoá với tư cách là một nhà Thiền học có nhiều ảnh hưởng đến giáo phái Hoàng Giang ở Việt Nam đó là Đỗ Đô – đó là vị thiền sư được tôn thờ trong chùa Phúc Thắng, làng Lạng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư , tỉnh Thái Bình.

[​IMG]

Quang cảnh chùa

Căn cứ vào những những dấu tích và hiện vật còn lưu lại trong chùa, những gia phả của những dòng họ lớn trong xã…có thể khẳng định chùa Phúc Thắng có từ thời Lí nơi thờ Đỗ Đô.

Theo ngọc phả Từ Thượng và truyền thuyết dân gian Đỗ Đô tức Đỗ Sinh Công sinh ngày 9 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (1042) tức là năm Minh Đạo thứ nhất triều Lí Thái Tông. Thuở nhỏ, mặc dù con nhà nghèo nhưng Ngài rất chăm học, học rất giỏi. Ông nằm trong số rất ít người đã đi du học và thi đỗ khoa Bạch Liên ở Trung Quốc. Đỗ Đô bình sinh luôn có ý thức mở mang việc học cho quê hương. Có thể xem ông là người thầy có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp học hành thi cử của làng Lạng. Đỗ Đô là bạn đồng đạo của Không Lộ và Đạo Hạnh. Ông được các phái đạo thuật thời bấy giờ suy tôn là Giáo chủ phái Hoàng Giang. Vừa có tài lại có đức nên Đỗ Đô được vua Lí Thánh Tông rất tin yêu, trọng dụng, phái thảo đường mà vua Lí Thánh Tông sáng lập ra đã truyền được 5 đời (với 17 vị thiền sư), Đỗ Đô thuộc đời thứ 3 tổ thứ 11 đứng sau Không Lộ thiền sư và Lí Anh Tông.

[​IMG]

Với tài cao, đức rộng nên Đỗ Đô được vua Lí Thánh Tông rất tin yêu, kính trọng ban cho chức tăng quan đứng đầu hàng tăng sư, ban đạo hiệu Đạt mạn thiền sư không gọi tên để tỏ lòng kính trọng. Ông có nhiều công lao đóng góp cho dân chúng trong làng, xã, huyện, tỉnh. Thương dân tình đói khổ khó khăn ông đã xin miễn thuế khoá tạp dịch cho dân, ngày ngày khuyên dân chăm việc nông tang, sửa bỏ thói hư tật xấu, sửa sang đường sá, góp công sức đắp đê sông Hoàng (khúc sông chảy qua địa phận Thư Trì cũ). Chính vì vậy mà Thái Bình – Song Lãng luôn được mùa no đủ. Ông là người rất giỏi về y thuật tận tình chăm sóc cứu chữa chúng sinh. Ngay cả vua Lí Thánh Tông cũng đã được ông cứu chữa. Ngài còn tính được số mệnh nhà vua để vua sớm liệu việc triều chính. Tháng Giêng năm Canh Tí (1071) vua Lí băng hà có di chiếu vời Thượng sư về triều giúp việc chính sự vì thái tử Càn Đức nối ngôi còn nhỏ quá. Sau khi thiền sư qua đời với những công lao đóng góp của Ngài, nên vua Lí đã cho dân làng lập đền thờ thiền sư trên nền hành cung hiện nay để dân Ngoại Lãng và du khách bốn mùa hương khói.

Hiện nay, chùa Phúc Thắng còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị rất lớn về mặt lịch sử cũng như nghệ thuật như cồng – được đúc vào năm Quí Dậu (1693) tức năm Chính Hoà thứ 14 đời vua Lê Hy Tông do cụ Nguyễn Chí Công vị thượng tổ họ Nguyễn cúng, được sử dụng vào đêm giao thừa (người trông nom đền được quyền đánh 3 hồi cồng – với ý niệm dùng để truyền tải, truyền đạt lòng dân trăm họ đến với thần linh mong được thần linh che chở và cũng là để báo cho nhân dân lên đền lễ thánh lấy lộc rồi về xông nhà, tiếng cồng còn là hiệu lệnh báo lễ rước kiệu bắt đầu), “cột tịnh truỳ” làm bằng gỗ trầm hương (là một cái chày thanh tịnh đường kính 15cm, dài 0m80 đầu chày ở phía dưới hơi thắt, trổ hoa sen đặt trên một giá đỡ) được dùng làm linh khí cầu chúc cho quốc thái dân an. Ngoài ra trong chùa còn lưu giữ nhiều binh khí thời Lí.

[​IMG]

Chùa Hội di tích lịch sử – văn hóa

Trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc chống thực dân Pháp chùa Phúc Thắng là căn cứ nuôi dấu, che chở cho cán bộ, du kích…Toàn bộ cụm di tích gồm trang miếu Thái Bảo Đỗ Vinh Công (tức Đỗ Đô), đền Thượng nơi thờ cúng thượng sư khi Ngài hoá thạch Tượng Tháp nơi thờ bà Đỗ Thị Doanh người góp nhiều công của xây dựng chùa, nhà thờ Tổ. Tất cả được thiết kế theo kiểu chữ Vương. Để tưởng nhớ tới công lao của vị thiền sư này cứ 2 năm hội được tổ chức một lần, Lễ hội được mở từ ngày mồng 6 đến 11 tháng giêng âm lịch. Trong lễ hội có rước kiệu thánh, lễ phật, cúng khoa, khai bát trí thực và thông hành tịnh truỳ và nhiều trò chơi dân gian khác.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>