Sơ lược giới thiệu về chùa Thiên Mụ
Địa Điểm: Chùa tọa lạc trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Trụ Trì: Hòa thượng Thích Trí Tựu.
Chùa Thiên Mụ còn có tên gọi là chùa Linh Mụ. Đây là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế (Việt Nam) khoảng 5 km về phía tây. Đã từ lâu, chùa Thiên Mụ nổi tiếng với 108 tiếng chuông. Hòa với phong cảnh thiên nhiên của sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền…, chùa Thiên Mụ, ngôi chùa nổi tiếng nhất đất cố đô đã đi vào tâm thức của bao người dân, tô đẹp, gắn bó và là một bộ phận không thể tách rời của người dân xứ Huế. Lịch Sử: Tương truyền, Năm Tân Sửu (1601) Đoan Quốc Vương Nguyễn Hoàng nhân đi du ngoạn các nơi núi non sông biển, khi đặt chân đến nơi đây thấy giữa chốn đồng bằng đột khởi một gò đồi cao dáng tựa như chiếc đầu rồng đang ngoái nhìn về phía núi mẹ, trước cuốn nước trường giang.
Cảnh trí tuyệt đẹp trong bụng lấy làm thích thú bèn leo lên trên đồi cao ngắm nhìn bốn phía xung quanh, chợt thấy một đoạn hào cắt ngang dưới chân núi, tìm hỏi người sở tại được họ tâu rằng: Núi này rất linh thiêng, đời nhà Đường có viên tướng là Cao Biền từng đi khắp đất nước ta xem những nơi nào có vượng khí linh thiêng thì cắt yểm đi. Cao Biền thấy trên núi này có khí thiêng bèn cho đào phía sau chân núi để cắt long mạch khiến cho về sau linh thiêng không tụ được… Người dân địa phương nằm chiêm bao thường thấy một bà già mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên ngọn đồi nơi chùa tọa lạc ngày nay nói: Rồi sẽ có ngày chân một vị Chúa đến lập chùa ở đây để tụ khí cho bền long mạch, giúp nước Nam hùng mạnh. Hễ nói xong là bà biến mất. Sau khi vào trấn Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng một lần đi qua, nghe nói cả mừng, tự cho mình là chân Chúa, sai người cất dựng chùa, viết biển đề chữ Thiên Mụ Tự (Chùa Thiên Mụ).
Kiến Trúc: Trước mặt chùa là khúc quanh rất hữu tình của dòng Hương Giang. Khuôn viên chùa được chia thành hai khu vực, khu vực trước cửa Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc như: bến thuyền đúc bê tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây xát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện, sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vời vợi, hai bên đình có hai lầu bia hình tứ giác, lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp rất riêng của Thiên Mụ, là một địa điểm không thể bỏ qua với mỗi du khách khi tới Huế.
Chùa không có nhiều tượng Phật như các chùa khác. Nhìn tổng quan, khuôn viên chùa như một cung điện, dinh thự của các bậc vua chúa, quan lại xứ Huế ngày xưa. Vãn cảnh chùa, du khách như đang đi vào không gian của trăm năm, thanh tịnh và thơ mộng. Khách bước qua khỏi cổng chùa đã thấy lòng lắng lại, tĩnh tâm, bỏ lại đằng sau những phiền muộn, lo âu…
Trong phạm vi chùa Thiên Mụ đâu đâu cũng toát lên một chút thơ, một chút mộng của xứ Huế. Mỗi công trình, kiến trúc dù được xây dựng dưới triều đại nào cũng đều thể hiện sự tín ngưỡng, trang trọng và hài hòa với những công trình trước đó. Dù không phải là người tín ngưỡng, bước chân vào không gian này, khách như đi vào lối thơ. Kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên như những cung bậc của thi ca. Người yêu thiên nhiên, đứng ở nơi này có thể sáng tác vài vần thơ. Một tiếng chuông trong vắt, một âm thanh đục của tiếng gỗ phát ra từ chiếc mõ nơi chánh điện cũng làm cho du khách như đang đi giữa không gian của Phật pháp.
Biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ là Tháp Phước Duyên. Đây là một Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện, trên nóc đặt Pháp luân (bánh xe Phật pháp, biểu tượng Phật giáo.Pháp luân đặt trên đình Hương Nguyện quay khi gió thổi).
Trận bão năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn (nay vẫn còn dấu tích). Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại, nhưng chùa không còn được to lớn như trước nữa. Hai bên tháp có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị. Sâu vào bên trong là hai nhà lục giác, một nhà để bia và một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Thiên mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế. Vua Thiệu Trị liệt cảnh chùa Thiên Mụ vào một trong số 20 thắng cảnh của đất thần kinh trong bài thơ đề là “Thiên Mụ chung thanh”.
Ngôi chùa hiện nay là một trong 16 công trình nằm trong danh mục Di sản văn hóa thế giới (1993) của quần thể di tích Huế. Ngày 28 – 8 – 2003, chùa đã khởi công trùng tu với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng do Nhà nước cấp.
Đến với Thiên Mụ, du khách phật tử không khỏi cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại với ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương Giang duyên dáng. Nơi đây, sớm chiều tiếng chuông chùa ngân vang vọng cùng với khói hương ngào ngạt tỏa ra giữa thanh không vắng lặng, đã hấp dẫn và say đắm biết bao lòng người xứ Huế, và du khách bốn phương. Tiếng chuông chùa Thiên mụ từ bao đời đã đi vào ca dao, để lại nỗi nhớ nhung trong lòng người xứ Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế.
Leave a Reply