Sơ lược giới thiệu về chùa Wat Phra Kaew (Chùa Phật Ngọc)

Wat Phra Kaew – chùa Phật Ngọc (tên chính thức là Wat Phra Sri Rattana Satsadaram), được xem là ngôi chùa Phật giáo quan trọng bậc nhất ở Thái Lan.

Chùa tọa lạc tại trung tâm lịch sử của Bangkok, trong khuôn viên cung điện Hoàng gia – nơi tôn thờ pho tượng Phra Kaew Morakot (tượng Phật Ngọc), pho tượng Phật thiêng liêng và rất được tôn kính.
chua phat ngoc 3
Tôn tượng Phật Ngọc trong chánh điện của chùa
Tượng được tạc tỉ mỉ từ một khối ngọc lớn theo tư thế kiết già, cao 0,6 mét, được tôn thờ trong một chiếc khám hình tháp đặt bên trên bục tháp nhiều tầng. Không ai được phép đến gần pho tượng, ngoại trừ đức vua. Đức vua chính là người thay áo choàng cho tượng, mỗi năm ba lần, tương ứng với ba mùa khí hậu ở Bangkok: mùa hè, mùa đông và mùa mưa. Đây là một nghi lễ hết sức quan trọng, chỉ duy nhất đức vua mới được phép tiến hành. Lễ thay áo choàng cho pho tượng còn có ý nghĩa cầu may mắn cho đất nước trong mỗi mùa.Truyện kể về pho tượng Phật Ngọc này rất ly kỳ. Theo niềm tin phổ biến, pho tượng cổ này có xuất xứ từ Sri Lanka. Tuy nhiên, theo các nhà sử học, phần đông cho rằng pho tượng tạc vào thế kỷ thứ XIV tại Thái Lan.

Pho tượng Phật tôn quý này đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Có tích kể, tượng Phật Ngọc từng được bao bọc bởi lớp thạch cao và tôn thờ tại một đài kỷ niệm ở Chiang Rai, nhưng một cơn sấm sét đã xảy ra vào năm 1434 và pho tượng quý hiếm đã bị phơi bày.

Vua của Chiang Mai đã rất cố gắng để đưa pho tượng về Chiang Mai, nhưng cả ba lần con voi vận chuyển pho tượng đều dừng lại tại một ngã tư đường ở Lampang. Xem đấy như là một tín hiệu từ Đức Phật, nên pho tượng đã được tôn trí tại một ngôi chùa hoành tráng được xây dựng đặc biệt để thờ tượng ở Lampang.

32 năm sau, vị vua kế tiếp của Chiang Mai đã kiên quyết hơn trong việc rước pho tượng Phật Ngọc đến thủ phủ và đã thành công. Pho tượng được an trí trong một ngôi chùa ở Chiang Mai cho đến năm 1552, khi quân xâm lược Lào lấy đi. Pho tượng đã ở lại đất nước Lào 214 năm, đến khi Đại tướng Chakri (sau này là Vua Rama I) mang trở lại kinh đô Thái Lan ở Thonburi sau khi chiến dịch của ông thành công tại Lào.

Năm 1784, khi kinh đô được dời đến Bangkok, Vua Rama I đã tôn trí pho tượng Phật quý giá ấy trong ngôi chùa hoàng gia từ đó cho đến nay, trở thành một biểu tượng hữu hình của dân tộc Thái. Người Thái e rằng, nếu pho tượng bị lấy đi khỏi Bangkok thì triều đại Chakri sẽ bị diệt vong.

Ngôi chùa Phật Ngọc được khởi công xây dựng vào năm 1785. Không giống như các ngôi chùa khác, chùa Phật Ngọc không có khu Tăng xá (nơi ở dành cho chư Tăng), mà chỉ có những tòa nhà được trang trí công phu, các pho tượng, và các ngôi điện Phật, các tòa tháp… Tòa nhà chính là ngôi chánh điện, nơi tôn trí pho tượng Phật Ngọc. Chùa Phật Ngọc được trang trí rất đẹp và tạo cho người xem một cảm giác tuyệt vời về sự yên bình.

Chùa nằm trong khuôn viên hoàng cung, được bao quanh bởi các bức tường dài hơn một dặm. Chùa là nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc Phật giáo, những công trình kiến ​​trúc, hội họa và thủ công trang trí tinh xảo nhất ở Thái Lan. Bên trong các bức tường chánh điện được trang trí những bức bích họa theo phong cách Ayutthaya, miêu tả về cuộc đời Đức Phật từ Đản sanh cho đến Niết-bàn.

chua phat ngoc 2(1)
Toàn cảnh chùa Phật Ngọc – Ảnh: M.Nguyên

Dãy hiên xung quanh ngôi chánh điện được trang trí những tác phẩm điêu khắc thể hiện đẳng cấp bậc thầy của thợ thủ công Thái. Bên cạnh đó, trong khuôn viên chùa Phật Ngọc còn có rất nhiều điện, tháp và các công trình kiến trúc khác. Trong số đó, nổi bật nhất là ba ngôi điện Phật tạo lạc ngay phía Bắc chánh điện. Ba ngôi điện này nói lên việc thay đổi các trung tâm ảnh hưởng của Phật giáo.

Ngôi tháp Phra Si Ratana Chedi, theo phong cách chùa tháp Sri Lanka vào thế kỷ thứ XIX, tọa lạc tại phía Tây chánh điện là nôi tôn thờ xá-lợi Phật. Ở giữa là thư viện Phra Mondop, được Vua Rama I xây dựng theo phong cách Thái Lan. Đây là nơi lưu trữ tam tạng kinh điển, và những bức tượng của vua Chakri.

Phía Đông là ngôi điện Pantheon Royal, được xây dựng theo phong cách Khmer vào thế kỷ XIX. Ngôi điện chỉ mở cửa cho công chúng vào một ngày trong tháng Mười để kỷ niệm ngày thành lập triều đại Chakri.

Về phía Bắc, ngay bên cạnh thư viện là mô hình Angkor Wat, được xây dựng theo lệnh của Vua Rama IV khi Campuchia bị Siam (Xiêm) thống trị. Mô hình này sau đó đã được tái tạo bằng thạch cao theo lệnh của Vua Rama V để kỷ niệm 100 năm đầu tiên của hoàng cung.

Nằm rải rác xung quanh quần thể chùa Phật Ngọc là những bức tượng voi, tượng trưng cho độc lập và quyền lực. Các vua Thái Lan đã ra chiến trận bằng các thớt voi. Và người Thái có phong tục khi sinh con ra, cha mẹ cho con đi nhiễu xung quanh một con voi ba lần để mong con mình có sức mạnh.

Bên cạnh đó, trên các bức tường ở một số ban công có rất nhiều bức bích họa tinh xảo và rất có giá trị. Tại cổng những ban công có tượng hai vị thần Yaksa Tavarnbal, vị thần bảo hộ trong sử thi của dân tộc Thái.

Để được vào viếng thăm chùa Phật Ngọc cũng như các ngôi chùa khác tại Thái Lan, du khách phải mặc trang phục trang nghiêm, tề chỉnh, không được mặc váy ngắn, quần short, không đi dép lê, không được mặc áo hở hang. Chùa mở cửa cho du khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, từ 8g30 đến 15g30.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>