Sơ lược giới thiệu về đền thờ Khúc Thừa Dụ – Hải Dương

Đền thờ

[​IMG]

Đền Khúc Thừa Dụ, Ninh Giang, Hải Dương

Địa Điểm: Đền thờ Khúc Thừa Dụ nằm tại địa phận thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương: Đền thờ 3 vị anh hùng dân tộc họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo, Khúc Thừa Mỹ). Đền đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và là một danh lam thắng cảnh đẹp của xã Kiến Quốc cũng như tỉnh Hải Dương.

[​IMG]

Lối vào đền

Đền nằm giáp đê sông Luộc, mặt đền quay theo hướng Nam. Từ ngoài vào trong đền qua chiếc cầu đá, đến sân hội, với hai bức phù điêu ghép bằng các tảng đá lớn. Các họa tiết được chạm khắc công phu, mô tả quang cảnh nhân dân tụ nghĩa theo Tiên Chúa Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ và cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp.

[​IMG]

Cổng đền

Ở Trung Quốc, vào đầu thế kỷ thứ X, triều đình phong kiến nhà Đường trên đường suy vong. Chính quyền mục nát, vua Đường ăn chơi, sa đọa. Các cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền nổi dậy ở khắp nơi. Lúc ấy, Tiết độ sứ Giao Châu là Độc Cô Tổn có ý làm phản nên bị bắt đi đày ở đảo Hải Nam, rồi chết tại đó. Nhân cơ hội này, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng có uy tín, ảnh hưởng lớn trong vùng, xuất thân ở đất Hồng Châu (nay là Ninh Giang, Hải Dương) đã chớp thời cơ dấy binh khởi nghĩa, đánh chiếm phủ Tống Bình – Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ. Để giữ vững chính quyền non trẻ vừa mới thành lập, ông đã cử phái bộ sang Trung Quốc thần phục, nhưng thực chất là “dùng nhu, chế cương”. Sau đó, nhà Đường đành phải công nhận chức quan này của ông. Về hình thức, Giao Châu vẫn thuộc nhà Đường, nhưng thực chất sự kiện Khúc Thừa Dụ tự xưng Tiết độ sứ đã đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ của nước ta sau 1.000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Ông đã được nhân dân tôn vinh là Khúc tiên chúa.

[​IMG]
[​IMG]

Giếng ngọc

Năm 907, tiên chúa Khúc Thừa Dụ qua đời, con trai là Khúc Hạo thay cha điều hành đất nước, thực hiện nhiều cải cách quan trọng. Ông chia nước ta thành các cấp hành chính là: Lộ, phủ, châu, giáp, xã; tổ chức hệ thống chính quyền xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở. Ông cho sửa lại chế độ tô, thuế, lực dịch nặng nề mà triều đình nhà Đường đặt ra và thực hiện chính sách ngoại giao mềm mỏng, hòa hảo với phong kiến phương Bắc; chú ý gìn giữ biên cương. Trung chúa Khúc Hạo được lịch sử đánh giá là người cải cách đầu tiên của thời quân chủ Việt Nam. Trong thời gian cầm quyền của ông, đất nước thái bình, dân chúng sống yên vui, kinh tế phát triển.

[​IMG]

[​IMG]
Phù điêu trong đền

Năm 917 Khúc Hạo mất, nhường ngôi cho con trai là Khúc Thừa Mỹ. Biết được dã tâm của quân Nam Hán quyết chiếm nước ta, Khúc Thừa Mỹ tích cực phòng thủ đất nước, nhưng thế giặc mạnh, ông đã chịu thất bại. Tuy ba đời của dòng họ Khúc nối nghiệp lãnh đạo nước ta trong chưa đầy 30 năm, nhưng đã để lại một mốc son trong lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ đặt cơ sở cho nền độc lập, tự chủ và thực hiện những cải cách quan trọng.

[​IMG]

Chính điện đền

Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng trong tỉnh như Côn Sơn – Kiếp Bạc, Văn miếu Mao Điền, Đền thờ Nhà giáo Chu Văn An, Đền thờ Khúc Thừa Dụ sẽ là một địa chỉ thu hút khách tham quan, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>