Sơ lược giới thiệu về chùa Xá Lợi
Địa Điểm: Chùa nằm tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Trụ trì: Hòa thượng Thích Hiển Tu
Lịch sử: Chùa được xây dựng để thờ xá lợi Phật tổ nên được đặt tên là chùa Xá Lợi. Đây là ngôi chùa có tháp chuông cao nhất Việt Nam. Chùa chính thức khởi công xây dựng ngày 5/8/1956 trên một diện tích 2500 m2. Chùa được xây dựng theo bản vẽ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, với sự tham gia kỹ thuật của hai kỹ sư Lê Văn Hổ và Trương Văn Khoa cùng với sự đôn đốc thi công của hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận.
Chùa được khánh thành vào các ngày 2, 3, 4 tháng 5 – 1958. Kiến trúc: Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đầu tiên của thành phố được xây dựng theo lối kiến trúc mới, trên là bái đường, phía dưới là giảng đường. Trên nóc Chính điện là những đầu mái uốn cong truyền thống. Chùa có các hạng mục: cổng tam quan, ngôi chính điện, giảng đường, tháp chuông bảy tầng, thư viện, văn phòng Ban quản trị, khu tăng phòng, nhà trai đường, phòng khách, đoàn quán gia đình Phật tử, phòng phát hành kinh sách, nhà vãng sinh và các vườn cảnh.
Kiến trúc mang nét đặc trưng làm nên phong cách riêng của chùa Xá Lợi là ngôi Chính điện và tháp Chuông bảy tầng. Trên tường xung quanh Chính điện có 14 bộ tranh mô tả lịch sử cuộc đời đức Phật từ lúc Đản sanh đến khi nhập Niết bàn. Trên Chính điện còn có một tháp bằng ngọc, hình lá Bồ đề, bên trong đựng ngọc Xá Lợi của đức Phật Thích Ca. Tháp đựng Xá Lợi được tôn trí ở trên cao, ngay trước tượng Phật Thích Ca.
Mặt trước chùa là cổng Tam quan chính, nhìn ra đường Bà Huyện Thanh Quan. Cổng Tam quan phụ mở ra phía đường Sư Thiện Chiếu. Phía trong cổng Tam quan chính, bên trái là tháp Chuông bảy tầng cao 32m được khởi công xây dựng ngày 15 tháng 12 năm 1960 và khánh thành ngày 23 tháng12 năm 1961. Tầng cao nhất có treo một đại hồng chuông nặng 2 tấn, với tiếng chuông ngân nổi tiếng, từng được nhiều thế hệ biết đến qua bài vọng cổ “Tiếng chuông chùa Xá Lợi” do soạn giả Viễn Châu sáng tác.
Bên trái chính điện có một cây Bồ đề do ông Trần Văn Hậu mang về từ Colombo. Cạnh cây Bồ đề có đài Bốt tát Quán Thế Âm Lộ Thiên. Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đặc biệt không có câu đối. Nhưng chùa lại có những pháp khí qúi giá khác: Bức hoành phi đề bốn chữ Hán tự “Đông thùy pháp vũ” do chính tay Từ Hy thái hậu viết; Một tháp bằng bạc trong đựng ngọc Xá lợi của Đức Hoạt Phật Chương Gia Đại Sư do Pháp sư Diễn Bồi mang từ Đài Loan sang tặng chùa; Một ngọn tháp bằng đồng lấy kiểu từ ngọn tháp cổ đã tìm lại được dưới đất sâu tại Ấn Độ hồi thế kỉ 18.
Chùa Xá Lợi là ngôi chùa Bắc tông duy nhất ở Việt Nam hiện lưu giữ pho kinh Pali viết trên lá buôn cổ xưa nhất. Pho kinh này đã trên một ngàn năm tuổi. Bản kinh dài 45 cm, rộng 6cm, hai đầu có dùi lỗ để xỏ chỉ xâu lại. Bìa kinh làm bằng gỗ, sơn son thép vàng, có trang trí hoa văn cầu kì. Pho kinh được bọc trong một khăn lụa ngũ sắc. Tượng thờ tại chùa Xá Lợi rất đơn giản. Chùa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca trên chính điện. Cách bài trí tượng thờ ở chùa Xá Lợi có nét gần gũi với Phật giáo Nam tông hơn. Chánh điện chùa Phật giáo Bắc tông thường tôn trí nhiều bệ thờ, nhiều tượng Phật. Nhưng ngược lại, chánh điện chùa Phật giáo Nam tông chỉ thờ một pho tượng Thích Ca mà thôi. Ngay cách trang trí cũng thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng vẫn không kém phần trang nghiêm, thành kính. Ngôi chùa đối với người Việt Nam không những là nơi thờ tự mà còn là trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và hội hè của tất cả mọi người. Thư viện sách trong chùa hiện có trên 3000 đầu sách, trong đó có hai bộ Đại tạng king bằng chữ Hán rất có giá trị, đó là bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh và bộ Tân Tu Tục Tạng. Thư viện mở cửa phục vụ ngày hai buổi suốt cả tuần. Từ thứ hai đến thứ năm dành cho bạn đọc người Việt, từ thứ sáu đến chủ nhật dành cho bạn đọc người Hoa. Chùa Xá Lợi còn là ngôi chùa thường hay tổ chức lễ hằng thuận (lễ cưới) cho những cặp uyên ương là Phật tử và những ai muốn tổ chức lễ cưới theo nghi thức Phật giáo. Nếu bạn muốn tĩnh tâm sau những ngày làm việc căng thẳng? Bạn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại và tham gia vào những lễ hội tâm linh? Mời bạn đến viếng thăm chùa Xá Lợi.
Leave a Reply