Sơ lược giới thiệu về thiền viện Chơn Không
Địa Điểm: Thiền Viện tọa lạc tại đường Vi Ba, Phường 6 TP. Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa Vũng.
Trụ Trì: Thượng Tọa Thích Thông Nhẫn
Chơn Không là pháp hiệu của một vị thiền sư đời Lý. Thiền sư Chơn Không (1045 – 1110) họ Vương thế danh Hải Thiềm, quê làng Phù Đổng, sống vào đời Vua Lý Nhân Tông. Chơn Không nhằm nói lên quan điểm tu hành của Tăng ni Việt Nam, nhận được lý chơn không, sống được với cái thể chơn không để đạt mục đích giải thoát sanh tử, là con đường ngày xưa Tổ Tổ nối truyền, ngày nay chúng ta nối gót.
Thiền Viện Chơn Không là cội nguồn phục hồi thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.
Năm 1966, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã khai phá vùng đất Hòn Chụp – Núi Tượng Kỳ (Núi Lớn) cất Pháp Lạc Thất, chuyên tu thiền.
Đến năm 1968, Hòa thượng tuyên bố khởi đầu công cuộc khôi phục Thiền tông Việt Nam. Đến năm 1970, Hòa thượng cho xây thiền viện gồm: ngôi thiền đường, tăng đường, trai đường, nhà khách, thiền viện Bát Nhã (thiền viện cho chư Ni), hồ chứa nước…
Tại thiền viện, Ngài đã mở khóa 1 Chân Không (thời gian 3 năm) vào năm 1971, có 10 thiền sinh tham học. Khóa 2 Chân Không khai giảng vào năm 1974, có hơn 100 thiền sinh tham học.
Năm 1995, thiền viện được kiến thiết thành một ngôi chùa thanh thoát, trang nghiêm.
Chánh điện nằm trên một ngọn đồi bằng phẳng, hướng ra biển.
Trước chánh điện, có nhiều cây kiểng, bách, tùng xanh tươi. Bên trái có tháp chuông, với đại hồng chung nặng khoảng 1 tấn được đúc năm 1998.
Điện Phật bài trí trang nghiêm, tôn trí tượng đức Bổn sư Thích Ca thuyết pháp.
Tuy có nhiều thay đổi, nhưng Thiền viện Chơn Không luôn tôn thờ lý tưởng phụng sự đạo pháp và dân tộc. Thiền viện Chơn không trước đó và hiện nay đang chung tay góp sức cùng các thiền viện khác cố gắng hoàn thành nhiệm vụ khôi phục thiền tông và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử để ngày càng được phát triển trong cũng như ngoài nước.
Leave a Reply